Ấn tượng về đất nước Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế luôn là một bức tranh tuyệt vời, lấp lánh và đầy sức hấp dẫn. Từ vẻ đẹp của cảnh quan đến hương vị của những món ăn, thậm chí đến những loại thức uống mà chỉ có thể trải nghiệm được ở Việt Nam. Những thức uống này được tạo ra từ những nguyên liệu độc đáo và được chế biến theo những công thức đặc biệt. Hãy cùng Sanh Nhiên khám phá chúng nhé!
Trà (Chè) xanh
Trà xanh không chỉ là một thức uống mang tính văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam, từ các dịp lễ như Tết, lễ hội, lễ cưới, đám tang. Cây chè đã được trồng khắp nơi từ thời xa xưa, đặc biệt là ở vùng nông thôn hoặc cao nguyên. Trong đó, có hai loại trà chính: trà tươi và trà khô. Cả hai đều mang một hương thơm dễ chịu, nhưng trà tươi thường có hương vị cay, đắng hơn so với trà khô.
Thực tế, lá trà xanh thường được phối trộn với các loại thảo mộc khác nhau để tạo ra những hương vị đa dạng như trà sen, trà cúc, trà ô long và nhiều loại khác. Nếu bạn có cơ hội ghé thăm một gia đình Việt, họ sẽ mời bạn thưởng thức một tách trà như một biểu hiện của lòng hiếu khách và sự chào đón. Điều này thể hiện sự truyền thống đặc trưng của một quốc gia với hàng ngàn năm lịch sử.
Cà phê
Là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Brazil, không có gì ngạc nhiên khi cà phê trở thành một trong những loại đồ uống được người Việt ưa chuộng. Từ thành thị đến những làng quê nhỏ, bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy các quán cà phê với giá cả phải chăng. Phương pháp pha chế cà phê của người Việt thường đậm đà hơn rất nhiều so với phần lớn các loại cà phê khác trên thế giới.
Hai loại cà phê phổ biến nhất ở Việt Nam là cà phê đen và cà phê sữa. Cà phê đen thường có hương vị đắng kết hợp với một chút hậu ngọt bùi, trong khi cà phê sữa mang vị béo từ sữa đặc cùng với hương thơm đặc trưng của cà phê.
Nước dừa
Nước dừa từ lâu đã trở thành một loại nước giải khát phổ biến ở Việt Nam. Nước dừa tươi là một trong những thức uống truyền thống phổ biến tại các tỉnh miền Tây, với hương vị thơm ngon, ngọt và thanh mát mà không cần thêm bất kỳ gia vị hay chất tạo mùi nào. Không chỉ là một loại thức uống giải khát trong những ngày nắng nóng, nước dừa còn được sử dụng để nấu ăn, mang lại vị ngọt tự nhiên cho các món ăn mang phong vị miền Nam.
Nước mía
Một loại thức uống ngọt tự nhiên phổ biến khác sau dừa là nước mía. Đây là thức uống được ưa chuộng tại Việt Nam và thường xuất hiện trên các xe đẩy bày hàng trên đường phố, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây. Ngoài hương vị truyền thống, người dân miền Tây còn sáng tạo ra các biến thể khác của nước mía như nước mía sầu riêng và nước mía mít. Thông thường, nước mía được điểm thêm 1 chút nước tắc cùng với đá viên để tạo ra hương vị tuyệt vời.
Nước sâm
"Nước sâm" là tên gọi chung cho loại nước giải khát được nấu từ các loại thảo mộc thiên nhiên như rong biển, mía lau, rễ tranh, la hán quả, đường phèn... Tùy thuộc vào sở thích và thói quen, có thể kết hợp với các loại thảo mộc khác như râu bắp, bông cúc, kỷ tử, mã đề.
Trước khi nước siro và nước ngọt trở nên phổ biến, nước sâm đã là một trong những thức uống dân dã được nhiều thế hệ trẻ tuổi thưởng thức. Nước sâm mang lại cảm giác mát lạnh cho cơ thể và giúp thanh lọc gan. Thưởng thức nước sâm sẽ ngon hơn khi uống lạnh với đá.
Nước Rau má
Nước rau má là một loại thức uống phổ biến ở Việt Nam, có vị tươi của lá và thường được thưởng thức kèm với đá. Đây là một lựa chọn tuyệt vời để cung cấp nước cho cơ thể trong những ngày nắng nóng.
Có hai phiên bản phổ biến của nước rau má đó là nước rau má kết hợp với đậu xanh hấp nghiền nhuyễn và nước rau má pha trộn với chút nước cốt dừa. Nước rau má ngon nhất khi được uống lạnh kèm một ít đá viên.
Sữa đậu nành
Từ những quang gánh với nồi sữa nghi ngút khói, được nấu cùng bó lá dứa để tạo hương thơm, đến những chai sữa tự nấu được đóng gói trong chai nhựa hay chai thủy tinh cổ điển với nút bần, thức uống ngon lành này đã trở thành một phần ký ức không thể tách rời của người Việt suốt hàng trăm năm qua.
Một số người thích bưng ly sữa nóng, thổi nhẹ và hưởng thụ từng ngụm, tận hưởng hương vị béo bùi, ngọt ngào và ấm áp, đặc biệt là trong những ngày mưa lạnh hay khi có cơn gió rét cuối năm. Trái lại, cũng có những người thích ly sữa đậu đá, ướp đầy đá và thưởng thức một ngụm to, tạo ra cảm giác sảng khoái giữa cái nóng oi bức của mùa hè.
Đá me
Đá me có hương vị đặc trưng, vừa chua chua vừa ngọt ngọt, khi ăn vào còn kết hợp với đậu phộng bùi bùi và béo béo, tạo ra một trải nghiệm ẩm thực không thể chối từ. Những hàng nước vỉa hè đường phố thường sẽ luôn có món đá me với giá rất phải chăng.